Nghiên cứu khoa học sinh viên

HỘI THẢO VỚI CHỦ ĐỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN VIỆN CNTT – TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG HÀ NỘI

Ngày 18/5/2024, Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội tổ chức Hội thảo  nghiên cứu khoa học sinh viên với chủ đề Chuyển đổi số trong học tập thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Hội nghị là cơ hội cho sinh viên của Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội và một số cơ sở đào tạo công nghệ thông tin tại Hà nội trao đổi về kết quả, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học tập và thực hành tại các doanh nghiệp.

Về phía Nhà trường có sự tham dự của PGS TS Phạm Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Nhà trường ; TS.Phùng Văn Ổn – Viện Trưởng Viện CNTT, PGS.TS. Đỗ Trung Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện CNTT; cùng với nhiều giảng viên, các nhóm tác giả NCKH và đại diện sinh viên viện CNTT.

Về phía khách mời, buổi Hội thảo có sự tham dự của các Thầy cô giảng viên đến từ các Trường Đại học: TS. Trương Công Đoàn, Trường ĐH Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Hà nội; TS. Lê Lan Anh– Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; TS. Chu Hồng Hải – Học viện Ngân hàng,  TS. Chử Bá Quyết – Trường Đại học Thương Mại và các em sinh viên tham gia báo cáo đến từ các Trường.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các thầy cô các Trường: Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Thương mại, Học viện Ngân hàng đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo. Thầy nhấn mạnh, chủ đề Hội thảo có tính thiết thực cao, thiết thực cả về nội dung chuyên môn, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng. Đây là diễn đàn để các thầy cô, các em sinh viên, các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số trong học tập, đào tạo,  tạo cơ hội học tập bình đẳng cho sinh viên, thúc đẩy học tập cho sinh viên.

PGS .TS Phạm Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Nhà trường  phát biểu tại buổi Hội thảo

Đây cũng là dịp để các Trường đại học quản lý nhìn nhận các vấn đề, thực trạng, các yêu cầu từ thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức vai trò của chuyển đổi số trong học tập đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, PGS TS Phạm Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Chuyển đổi số trong học tập đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tận dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

“Chuyển đổi số trong các lĩnh vực vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu, và là vấn đề không mới, thậm chí được đề cập ở khá nhiều diễn đàn. Hội thảo ngày hôm nay tập trung vào chuyển đổi số trong học tập, thực trạng trong công tác xây dựng, quản lý chất lượng, chia sẻ tài nguyên giáo dục, học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của sinh viên; Từ đó, có căn cứ, cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho các hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là trong học tập đối với sinh viên; các giải pháp về nền tảng công nghệ, kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho người học được tiếp cận, được công nhận kiến thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời; các giải pháp thúc đẩy sự sẵn sàng của nhà giáo trong hoạt động trên môi trường số, sự sẵn sàng của người học trong việc tiếp thu kiến thức, tích luỹ  kỹ năng trên nền tảng công nghệ để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận với 6 báo cáo chuyên sâu về các vấn đề chuyển đổi số trong học tập. Các bài tham luận được các em sinh viên đến từ các Trường viên trình bày chi tiết, từ đó nêu ra những thực trạng trong giai đoạn chuyển đổi số và đề xuất những giải pháp đưa công nghệ số vào học tập.

Một số hình ảnh của các nhóm báo cáo tại buổi Hội thảo.

Sinh viên Nguyễn Tiến Trọng – Lớp D10.48.03 với đề tài Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập và tư duy sáng tạo

Nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng: Đặng Thị Hạnh, Đào Thu Hằng, Lê Hà Chi, Nguyễn Mạnh Đạt, Nguyễn Văn Nam với đề tài Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển ứng dụng cho thư viện số, thử nghiệm tại học viện Ngân hàng

Nhóm sinh viên Khoa KTTT Kinh tế và TMĐT- Trường Đại học Thương Mại với đề tài “Đánh giá trực tuyến sản phẩm bằng sao trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hiện nay”

Nguyễn Đức Cương – sinh viên K9 FBU với đề tài Nghiên cứu xây dựng Hệ thống Quản lý đề tài nghiên cứu khoa học Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội

Nhóm sinh viên Đoàn Chính Hào, Dương Thị Linh Chi, Khoa CNTT – Trường ĐH TN&MT Hà Nội với đề tài Nghiên cứu và xây dựng ứng dụng Eduapp trên thiết bị di động

Nhóm sinh viên Đặng Văn Quốc, Đoàn Thị Hồng Ngọc, Mạc Phạm Thiên long, Nguyễn Duy Đức – Trường ĐH Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Hà nội với đề tài Fire detection systems

Các thầy cô chụp ảnh lưu niệm.

Buổi Hội thảo đã kết thúc thành công và để lại nhiều ấn tượng cho các bạn sinh viên đến tham dự Hội thảo. Mỗi báo cáo đều là những đề tài nghiên cứu giá trị, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, đề xuất được giải pháp hữu ích với mong muốn đóng góp cho FBU, cho cộng đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học chính là cách để mỗi sinh viên tăng cường vốn tri thức và trau dồi khả năng tự học, tự nghiên cứu của bản thân, thích ứng với một thế giới không ngừng biến động. Thành công từ Hội nghị Khoa học sinh viên  không chỉ là lời khẳng định cho năng lực và tinh thần làm việc nghiêm túc của sinh viên FBU mà còn là động lực cho hành trình phát triển của chính các bạn trong thời gian tới.

 

                                                            ThS.Bùi Thị Thu Hiền – Giảng viên Viện CNTT

Các tin liên quan